Qua các số trước, chúng ta đã được biết, Tời là thiết bị dùng để nâng hạ vật có trọng lượng, kích thước khác nhau (Xem chi tiết Những kiến thức cần biết về Tời). Do nhu cầu sử dụng tời ngày càng đa dạng, cho nên ngày càng xuất hiện nhiều chủng loại Tời để đáp ứng công việc- Tời thủy lực chính là một trong số đó. Vậy sản phẩm này có cấu tạo, nguyên lý hoạt động như thế nào? Ưu nhược điểm ra sao? Hãy cùng tìm hiểu về thông qua bài viết dưới đây!
1. Định nghĩa:
Tời thủy lực là thiết bị nâng hạ chuyên dụng bằng áp suất chất lỏng bị dồn nén trong một không gian kín – tạo ra lực. Giống hầu hết các loại Tời, sản phẩm dùng để kéo vật theo phương ngang, phương nghiêng hoặc kéo vật lên cao. Mục đích nâng hạ, neo giữ và các ứng dụng nói chung trong việc kéo.
Tời thủy lực được xem là dòng máy có sức kéo lớn nhất (Xem thêm Những điều có thể bạn chưa biết về Tời kéo mặt đất), tải trọng lên đến hàng chục tấn. Thiết bị được xem là đối tượng chính phục vụ thi công dầm cầu, xưởng đóng tàu, bến cảng,… Ngoài ra, Tời thủy lực cũng thường dùng để cứu hộ xe, đánh bắt cá trên thuyền,…
Việc sử dụng năng lượng sản sinh từ nước bắt nguồn từ Lưỡng Hà và Ai Cập cổ đại. Theo ghi chép, ứng dụng trong vấn đề tưới tiêu đã có từ thiên niên kỷ thứ 6 trước Công Nguyên. Còn Tời được nhắc tới sớm nhất theo lời kể của Herodotus về Chiến tranh Ba Tư. Đến thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên, Aristotle coi Tời là thiết bị thông dụng trong ngành kiến trúc. Không rõ ai là người đã phát minh ra Tời thủy lực, tuy nhiên, Blaise Pascal (1623–1662), nhà toán học, vật lý, nhà phát minh, tác gia, và triết gia Công giáo người Pháp, đã phát minh ra máy ép thủy lực. Đây được xem là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự ra đời của thiết bị này.
2. Cấu tạo và nguyên lý hoạt động:
Cấu tạo tời thủy lực gồm các bộ phận dưới đây:
- Mô tơ điện
- Mô tơ nhớt
- Bơm thủy lực
- Két nhớt thủy lực
- Sinh hàn
- Hộp giảm tốc của động cơ thủy lực
- Hộp số
- Tang thu dây giềng rút, ly hợp của tang thu giềng rút, phanh hãm tang thu giềng rút
- Các tang thu dây ganh, ly hợp các tang thu dây ganh, phanh hãm tang thu dây ganh.
Nguyên lý hoạt động của tời thủy lực:
- Máy tời thủy lực được truyền động bằng hệ thống thủy lực. Khi mô tơ điện (1) hoạt động thì bơm thủy lực (2) sẽ đưa dầu thủy lực từ thùng chứa (3) qua bộ chia thủy lực (4) lên hộp giảm tốc động cơ thủy lực (5).
- Động cơ thủy lực sẽ biến thế năng của dầu thủy lực thành cơ năng và được truyền trực tiếp đến hộp số (6) và trục quay. Dầu thủy lực sau khi đi qua động cơ thủy lực sẽ được hồi về két chứa.
- Các tang thu dây giềng rút và dây ganh (7, 8, 9, 10) được liên kết hoặc tách với trục quay bằng hệ thống ly hợp (7a, 8a, 9a, 10a, 11a). Mỗi một tang thu dây sẽ có một bộ phanh hãm (7b, 8b, 9b, 10b, 11b).
3. Ưu nhược điểm
Ưu điểm:
- Truyền động được mức công suất và áp lực lớn, nhờ các cơ cấu tương đối đơn giản, vận hành với độ tin cậy cao. Không yêu cầu nhiều về thời gian chăm sóc, bảo dưỡng.
- Điều chỉnh được vận tốc và vô cấp, đảo chiều cũng rất dễ dàng. Người vận hành hệ thống dễ thực hiện tự động hoá theo chương trình cài đặt có sẵn.
- Mô men khởi động lớn kết hợp với kết cấu gọn nhẹ. Hơn nữa vị trí của các phần tử dẫn và bị dẫn không bị lệ thuộc nhau nên có khả năng vận hành độc lập.
- Nhờ quán tính nhỏ của máy bơm và động cơ thủy lực, có thể sử dụng ở vận tốc cao mà không sợ bị va đập mạnh giống như Tời cơ khí và điện.
- Dễ biến đổi chuyển động quay của motor thành chuyển động tịnh tiến của cơ cấu chấp hành.
- Kiểm soát và theo dõi hoạt động dễ dàng, tránh mức độ làm việc quá tải nhờ các loại van chỉnh áp an toàn.
Nhược điểm:
- Giống như hầu hết Tời tải trọng lớn, Tời Thủy lực cũng có khuyết điểm về hình dáng cồng kềnh, trọng lượng lớn, chiếm nhiều diện tích, gây khó khăn trong việc di chuyển và lắp đặt.
- Hiệu suất làm việc của máy tời bị giảm đi theo thời gian. Ma sát trong đường ống dẫn và rò rỉ bên trong các phần tử sẽ làm giảm hiệu suất hoạt động của hệ thống, hạn chế phạm vi sử dụng. (Tác động ô nhiễm đến môi trường khi hệ thống thủy lực bị rò rỉ dầu rất nghiêm trọng)
- Vận tốc truyền khi máy tời hoạt động thường không có độ ổn định cao: Chất lỏng có độ nhớt phụ thuộc vào nhiệt độ. Khi mới khởi động, vận tốc làm việc của thiết bị sẽ bị điều kiện môi trường ảnh hưởng. Ngoài ra, do tính nén được của chất lỏng và tính đàn hồi của đường ống dẫn, hệ thống sẽ khó giữ được vận tốc không đổi trong trường hợp phụ tải thay đổi.
Bài viết đến đây là kết thúc. Hy vọng các bạn đã có thêm cho mình những kiến thức hữu dụng về Tời thủy lực. Từ đó, đưa ra lựa chọn sản phẩm phù hợp cho bản thân. Xin chào và hẹn gặp lại ở số tiếp theo!